Chanh là một loại quả phổ biến, thường được sử dụng trong các món ăn của Việt Nam. Hiện nay, có nhiều giống chanh phổ biến trên thị trường. Bên cạnh đó, mỗi loại lại được đặc trưng bởi hương vị khác nhau, phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Cùng tìm hiểu các loại chanh phổ biến tại Việt Nam trong bài viết sau đây!
Các loại chanh phổ biến ở Việt Nam
Nước ta thuộc kiểu nhiệt đới gió mùa nên có sự đa dạng các giống cây trồng, kể cả chanh. Bên cạnh đó, sự hội nhập kinh tế cũng giúp nhiều sản phẩm được bày bán phổ biến hơn. Dưới đây là các loại chanh phổ biến trên thị trường nông sản Việt Nam:
Chanh ta
Chanh ta có nguồn gốc từ Đông Nam Á, sau đó dần phổ biến tại các nước Trung Đông, vùng biển Caribe, các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hiện nay, loại chanh này đã có mặt trên thị trường nông sản của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Về ngoại quan, chanh ta là loại cây bụi với thân có nhiều gai nhọn và thường không mọc thẳng mà tỏa ra nhiều nhánh. Lá cây có hình bầu dục, hơi nhọn ở hai đầu. Bên cạnh đó, hoa chanh ta thường có màu trắng, hơi ngả vàng với gân màu tím nhạt và trái chín sau khoảng 5- 6 tháng từ khi hoa nở. Thời gian ra quả nhiều nhất trong năm là từ tháng 5 đến tháng 9.
Xem thêm:
Các loại bưởi ngon, được ưa chuộng tại Việt Nam
Các loại cam ngon, được ưa chuộng trên thị trường
Các loại bơ ngon nhất, được trồng phổ biến tại Việt Nam
Chanh tây
khi nhắc đến các loại chanh thì không thể bỏ qua chanh tây hay chanh vàng. Ban đầu, loại chanh này được trồng phổ biến ở đông bắc Ấn Độ, sau đó du nhập vào châu Âu, gần miền Nam nước Ý vào khoảng thế kỷ thứ nhất (thời đại La Mã Cổ Đại). Từ khoảng năm 1000 – 1150, chanh tây đã được phân phối rộng rãi khắp Ả Rập và vùng Địa Trung Hải.
Chanh tây là loại cây bụi, quả có màu vàng, hình bầu dục với hai núm ở hai đầu. Đặc biệt, nước chanh chứa khoảng 5 – 6% axit citric nên được sử dụng phổ biến cho mục đích ẩm thực. Ngoài ra, thịt, vỏ và lá của chanh tây cũng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác như: chiết xuất tinh dầu và dược phẩm.
Chanh không hạt
Chanh không hạt (danh pháp khoa học: Citrus latifolia) hay còn được gọi là chanh tứ quý. Loại chanh này được John T. Bearss lai tạo vào năm 1895 tại California, Mỹ.
Về ngoại hình, quả chanh không hạt có đường kính khoảng 6cm, lớn hơn so với chanh ta. Vỏ chanh mỏng, nhưng cứng cáp hơn với thân cây không có gai và quả thường mọc thành chùm. Điểm đặc biệt của loại chanh này là không có hạt, vị chua ít hơn và không có vị đắng đặc trưng như chanh ta.
Chanh giấy
Chanh giấy (danh pháp khoa học: Citrus x Latifolia) có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á. Loại chanh này sở hữu thân cây nhẵn bóng, có cả loại không hạt và có hạt. Bên cạnh đó, quả chanh giấy to, căng tròn, vỏ mỏng xanh bóng và có vị chua đặc trưng. Loại chanh này đặc biệt nhiều nước và rất thơm so với các loại chanh khác.
Hiện nay, chanh giấy được trồng phổ biến ở miền Nam nước ta. Cây chanh có tán rộng, cành phân bố đều và bộ lá dày màu đậm. Đặc biệt, phiến lá to và ít bị hoe vàng. 1Kg chanh giấy có khoảng 8 – 15 quả, tùy vào kích thước.
Ngoài giá trị dinh dưỡng, chanh giấy còn là nguyên liệu quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến. Theo đó, loại chanh này được sử dụng để sản xuất bánh kẹo, nước ép, mỹ phẩm, nước rửa và nhiều sản phẩm khác.
Chanh đào
Chanh đào được trồng phổ biến tại Đà Lạt và các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Mùa chanh này diễn ra vào tháng 8 và tháng 9 hàng năm. Bên cạnh đó, cây chanh đào cao khoảng 40 – 60cm và có thể cho năng suất quả từ 50 đến 70kg mỗi năm.
Điểm đặc biệt của chanh đào so với các loại chanh khác là phần ruột bên trong có màu hồng đào bắt mắt và rất thơm. Vỏ chanh mỏng, có màu vàng hanh xen lẫn màu xanh và chứa nhiều tinh dầu.
Chanh Thái
Chanh Thái (danh pháp khoa học: Citrus hystrix) còn được gọi là chanh Thái Lan hoặc chanh Chúc (Trúc). Loại chanh này có nguồn gốc từ Lào, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Hiện nay, chanh Thái được trồng rộng rãi trên thế giới và phổ biến ở tỉnh An Giang, Việt Nam.
Đặc biệt, lá của chanh Thái là một loại gia vị đặc trưng trong ẩm thực Thái Lan. Theo đó, món tom yum trở thành một tinh hoa ẩm thực phần lớn nhờ vào lá chanh này. Ngoài ra, quả chanh Thái còn được trồng để làm gia vị, hương liệu và mỹ phẩm.
Các loại chanh độc đáo, mới lạ
Ngoài các loại chanh phổ biến kể trên, chúng ta cũng có thể bắt gặp một số sản phẩm như: chanh ngón tay, chanh đỏ và chanh yên trên thị trường.
Chanh ngón tay
Chanh ngón tay (tên tiếng Anh: finger lime) được đặt dựa trên hình dạng giống ngón tay người. Loại chanh này có nguồn gốc từ Úc và từ lâu đã là một gia vị phổ biến của người thổ dân tại đây. Ngày nay, những cây chanh ngón tay lớn nhất vẫn có thể được tìm thấy trong các khu rừng mưa ven biển phía đông nước Úc.
Về ngoại hình, chanh ngón tay có hình dạng giống ngón tay, bên trong chứa các tép chanh giống như trứng cá hồi. Do đó, loại chanh này còn được gọi là chanh trứng cá hồi. Cây chanh ngón tay có thân thẳng, lá nhỏ hơn so với các loại chanh khác nhưng gai lại lớn hơn.
Hoa của chanh ngón tay nhỏ, màu trắng và có hương thơm. Khi chín, vỏ chanh mỏng và mọng nước. Khi bổ đôi quả chanh và bóp nhẹ hai đầu, ruột bên trong sẽ trào ra như trứng cá hồi. Quả chanh nhỏ, thuôn dài và có hình trụ dài khoảng 10cm. Đặc biệt, chanh ngón tay có nhiều màu sắc khác nhau, từ xanh nhạt, xanh đậm, đỏ tươi đến đỏ hung.
Chanh đỏ
Chanh đỏ (tên tiếng Anh: Red Lime hoặc Blood Lime) còn được gọi là chanh máu bởi màu sắc đỏ sẫm bắt mắt, thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đây là một trong những loại chanh đặc sản quý hiếm và nổi tiếng của Úc. Chanh đỏ được xem là niềm tự hào của người dân nơi đây và được trồng trên diện tích lớn.
Cây chanh đỏ trưởng thành cao khoảng 6 – 8m, có tán lá rộng và phiến lá dài. Hoa có màu tím bên trong, màu trắng bên ngoài, thường nở vào tháng 7 và có hương thơm dễ chịu.
Quả chanh đỏ trưởng thành có đường kính khoảng 3-5 cm, hình dạng dài và thường to hơn so với các loại chanh khác. Lớp vỏ dày, căng bóng, màu xanh khi còn non, chuyển dần sang màu đỏ tím khi chín. Sau khi thu hái, nếu bảo quản nơi thoáng mát, chanh đỏ có thể giữ được tươi ngon trong thời gian dài hơn so với các loại chanh khác.
Chanh yên
Chanh yên (danh pháp khoa học: Citrus limonimedica hoặc Citrus medica) còn được gọi là thanh yên. Loại chanh này có nguồn gốc từ Ấn Độ, Myanmar và vùng Địa Trung Hải. Ở Việt Nam, chanh yên được trồng nhiều từ Lạng Sơn đến Lâm Đồng.
Cây thanh yên là cây gỗ thân nhỏ cao từ 2,5 đến 5m. Hoa có mùi thơm, màu trắng pha chút tím đỏ. Chanh yên cho quả vào tháng 6 hàng năm, kích thước khá lớn khoảng 12x8cm hoặc 20x12cm. Khi chín, quả có màu vàng, vỏ sần sùi, dày, có mùi dịu và thơm. Bên trong, cùi trắng khá dày, thịt quả ít, màu trắng và hơi chua.
ST : baocongnong.com
0 comments:
Đăng nhận xét